Tối qua có người em đồng nghiệp cũ nhắn tin nói anh support giúp em case nghỉ việc. Người em này là quản lý trong 01 công ty khởi nghiệp (Start-up) trong ngành CNTT, đã cho nhân viên nghỉ việc rồi giờ thì phải tiếp tục giải quyết hậu quả do việc cho nghỉ không theo trình tự của nó…
Sáng ra đọc bài của bác Nguyễn Hùng Cường về “Nghệ thuật cho nghỉ việc dành cho CEO”. Mình ngẫm nghĩ trong nghề mình làm thì đã tuyển không biết bao nhiêu người và chắc cho nghỉ việc (đuổi việc) cũng khá nhiều mà toàn là những trường hợp khó nhai kể cả người nước ngoài, vị trí CEO (thuê), các anh em lao động từ phổ thông (công nhân, lái xe..) cho đến có cả bằng tiến sỹ, thạc sỹ… Vì vậy mình dự định sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm: (1) dành cho ai đó đang làm ở vai trò của Người Sử dụng lao động (NSDLĐ): CEO, chủ công ty, quản lý, làm HR,…) và (2) nghỉ việc như thế nào là hoành tráng dành cho Người lao động (NLĐ) trong vị thế là người được thuê.
Trước khi đọc phần chia sẻ kinh nghiệm thì các bạn nào quan tâm thì nên đọc bài (1) “Buồn vui khi nhân viên nghỉ việc” của Dr. John Sullivan mà mình đà sưu tầm từ 08/2009. Trong đó nói đến tỷ lệ nghỉ việc (khi nhân viên nghỉ việc nói chung) sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp gồm có 08 yếu tố sau:
- Hiệu quả công việc – Năng lực của nhân viên
- Vị trí – Vị trí của họ ảnh hưởng tới doanh nghiệp như thế nào?
- Đơn vị kinh doanh – Đơn vị kinh doanh của họ có phải là đơn vị quan trọng không
- Kỹ năng – Tầm quan trọng của các kỹ năng của nhân viên đó đối với doanh nghiệp
- Khả năng thay thế – Những nhân viên này có thể dễ dàng thay thế bằng một ứng viên nội bộ hoặc bên ngoài hay không?
- Lợi nhuận trên vốn đầu tư – Hiệu quả làm việc của nhân viên so với chi phí nhân viên dành cho nhân viên đó.
- Họ đi đâu? – Họ làm ở đâu sau khi rời công ty? (đến làm cho công ty đối thủ?)
- Lý do ra đi – Lý do mà họ ra đi có ngăn chặn được không?
Vậy khi cho nghỉ hay nhân viên của bạn tự nghỉ thì nên xem lại các yếu tố trên.
Quay lại phần chính là một số cách cho nghỉ việc dành cho NSDLĐ
- Đúng luật: NSDLĐ (Các nhà quản lý – CEO – HR) cần phải thực hiện các thủ tục nghỉ việc đúng luật (2) vì khi đã ký hợp đồng thì không thể cho nghỉ theo cách là “Anh tuyển được thì anh cho mày nghỉ được”. Việc đúng luật sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và rất nhiều thứ để doanh nghiệp tập trung vào việc tạo lợi nhuận trong kinh doanh. Vì đã có nhiều doanh nghiệp phải ra kiện tụng khá mất thời gian và thua kiện khi cho nghỉ việc trái pháp luật (3). Để cho nghỉ việc đúng luật có thể sử dụng 8 chiêu trong bài “Nghệ thuật cho nghỉ việc dành cho CEO” (4) & (5). Ở đây tôi chỉ đưa ra thêm ví dụ thực tiễn mà mình đã từng làm:
- Chỉ ra lỗi của nhân viên: Việc này có 02 mặt vừa giúp nhân viên thấy rõ điểm yếu và vừa có bằng chứng cụ thể từ biên bản. Ngày xưa có 01 bạn khi cho nghỉ thì mình phải phối hợp với IT để ghi lại toàn bộ bằng chứng là bạn đó ngồi chơi trong vòng 03 ngày để làm bằng chứng trước khi nói chuyện với bạn ấy.
- Không giao việc, không cho tham gia họp/triển khai dự án: Đây là công cụ mà các Cty thường áp dụng, hay chuyển về cho HRM (hốt rác mướn). Thời ở công ty của Đức thì cho hẳn vào 01 phòng gọi là CR (Chatting Room – phòng ngồi chơi xơi nước trà”
- Thuyên chuyển / thay đổi vị trí / Giảm lương theo chức vụ: Rất nhiều công ty áp dụng binh pháp này. Ngay cả các công ty lớn thường sử dụng như đang ở Saigon cho về Chi Nhánh An Giang hay nhà ở Tân Phú thì chuyển về Long Khánh. Nhớ hồi có một Nhân Viên làm vị trí QLDA không hoàn thành công việc, bị chuyển từ văn phòng chính ở Sài Gòn đến Kho tận Bình Dương, thay đổi vị trí, thay đổi lương, và nói chuyện tâm lý nhiều buổi… vậy mà người này vẫn cứ làm mới ghê chứ.
- Chỉ cho NLĐ biết là họ không phù hợp với nghề nghiệp đã chọn: Việc chỉ cho họ thấy rằng năng lực của họ đang ở cấp độ nào và có phù hợp với công việc mà họ đã chọn cũng rất quan trọng. Nếu công ty đã xây dựng bộ “Từ Điển năng lực” thì nên áp dụng và phải được thống nhất từ trên xuống (Từ CEO cho đến toàn bộ quản lý của các Bộ Phận trong công ty).
- Câu chuyện 1 – Đây là bài học mà Sếp mình đã dạy: Có 01 Cô em làm nhân viên kinh doanh xinh xắn nhưng bán hàng hoài không hiệu quả, Cty đã cho tham gia các khóa huân luyện và cả Quản lý trực tiếp cũng training rất nhiều nhưng thực sự là cô ấy không phù hợp với bán hàng. Bước tiếp theo là chuyển Cô ấy sang làm Sales Admin nhưng cũng không hiệu quả… Sếp trao đổi với HR và Quản lý trực tiếp là nói cho em nó biết là Em không phù hợp với nghề này…thế là nói và Em nó suy nghĩ rồi nộp đơn xin nghỉ.
- Tìm việc phù hợp từ công ty khác và giới thiệu cho NLĐ: Chiêu này nếu CEO hay HRM có tâm và tầm luôn làm.
- Câu chuyện 2: Mình có anh bạn thân làm CEO chuyên về phân phối thiết bị CNTT khi một Cô nhân viên tốt nghiệp loại khá Tiếng Anh, xinh đẹp, nhanh nhẹn đã qua nhiều vị trí như trợ lý kinh doanh, Marketing nhưng không hiệu quả vì Em ấy không chủ động trong công việc… và không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Sau 01 năm dạy dỗ mãi (training) và tìm mọi cách mà không được nên giới thiệu cho vị trí thư ký cho 01 Công ty của anh bạn đối tác. Chắc là hợp tính, hợp văn hóa nên khi chuyển qua công ty mới Cô này phát huy rất tốt năng lực và công việc. Vừa giúp cho Em nó có việc phù hợp, vừa giúp cho đối tác tuyển được người phù hợp. Thật là tiện cho cả 03…
- Doanh Nghiệp thường là cho đi: Trên thực tế có rất nhiều NLĐ nghỉ việc sai luật nhưng NSDLĐ ở các doanh nghiệp chuẩn có hệ thống và HR chuyên nghiệp thường dùng nhiều cách để NLĐ ký vào đơn xin nghỉ hay thỏa thuận vì họ không muốn mất thời gian, giữ hình ảnh công ty, giữ hình ảnh cho NLĐ ở lại và hơn thế nữa vì “cho đi là còn mãi”.
- Câu chuyện 3: Rất nhiều lần trong nghề mình đã phải làm các thủ tục nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau trong đó có những trường hợp vi phạm từ phía NLĐ. Nhưng có 1 trường hợp mà tôi nhớ mãi là có 01 Nhân Viên làm Sales nhưng do sai phạm là chiếm đoạt tiền hàng của công ty (thu về từ khách hàng) mọi bằng chứng và biên bản được lập và với trường hợp này có thể đưa ra Công An để truy tố nhưng Cty quyết định là cho người này nghỉ việc và giúp đỡ họ (số tiền mà gia đình họ đang cần – vì bất đắc dĩ họ mới làm). Người này khi nghỉ rồi nhưng rất cảm động, khóc và cảm ơn Công ty.
Tóm lại việc cho nhân viên nghỉ như thế nào là hiệu quả nhất là tùy vào cách dụng người và văn hóa của từng công ty. Nhưng trên thực tế các kinh nghiệm này rất cần thiết để cho các Anh/Chị đang làm quản lý, HR hay cả người lao động cần hiểu, biết và áp dụng 01 cách linh hoạt đối với hoạt động kinh doanh đặc thù của công ty mình dù là đã thành lập lâu rồi hay là mới start-up.
HCMC 06/2017 – Vũ Thành Nam Đức
(1) “Buồn vui khi nhân viên nghỉ việc”
(2) Điều 38 & 39 BLLĐ 2012: quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ và không được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ & Hướng dẫn chi tiết tại nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015.
(3) Người lao động thắng kiện sau 6 lần xét xử
(4) Nghệ thuật nghỉ việc dành cho …CEO
(5) Tôi làm chủ. Tôi tuyển nó vào làm cho tôi. Chả lẽ tôi không đuổi nó ngay lập tức được?
(6) CÁCH CHO NHÂN VIÊN NGHỈ HIỆU QUẢ NHẤT hay LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHO NHÂN VIÊN NGHỈ THUẬN LỢI NHẤT
Hay
Good