"Hội nhập không là sự lựa chọn. Nó là một xu thế tất yếu. Hội nhập có thể được ví như sông đổ ra biển. Nước sông sẽ mặn lên, và nước biển sẽ nhạt đi. Biển bao la hơn sông, nên cơ hội biển mang lại to lớn hơn sông gấp bội. Nhưng sông sẽ mặn lên bởi biển rộng vô cùng".
Thực tế cho thấy giới trẻ Việt Nam chúng ta đang dần dần bị làm "mặn" lên bởi các dòng văn hóa nước ngoài và mọi người cứ lo ngại khi thấy phim Hàn quốc tràn ngập các kênh truyền hình, giới trẻ Việt Nam ăn mặt theo mode Hàn, trang điểm mắt bầm, môi tím theo phong cách Hàn,… và cho rằng nhà nước, các kênh truyền hình đang tiếp tay làm lu mờ văn hóa Việt Nam. Nhưng trong những bộ phim đó ẩn chứa những viên kim cương quý giá về văn hóa công ty mà chúng ta vô tình bỏ lỡ.
Ở Việt Nam ta, hiện nay đang có sự thay đổi rõ rệt về cách nhìn nhận vai trò của văn hoá nói chung và văn hoá công ty, văn hoá doanh nghiệp nói riêng. Trước đây, do hoàn cảnh lịch sử cũng như các nguyên nhân khác nhau, chúng ta mới chỉ chú trọng đến vai trò của văn hoá trong việc nâng cao dân trí, góp phần xây dựng đời sống tư tưởng của nhân dân, hơn là ý thức được một cách rõ rệt vai trò và tác động của văn hoá đối với lĩnh vực kinh tế.
Trong phạm vi giới hạn của diễn đàn này, Panda xin gửi đến các anh chị, các bạn bài viết của tác giả Lý Xuân Chung – Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, để có đôi điều suy ngẫm trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Tìm hiểu đôi nét về Văn hóa Công ty Hàn Quốc
Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước vô vàn khó khăn và thử thách. Nếu như trước đây, người ta chỉ biết tới bán đảo Hàn nghèo nàn lạc hậu với cuộc nội chiến đẫm máu 1950 – 1953 cùng với sự tham chiến của Trung Quốc và Mỹ thì ngày nay, sau mấy chục năm lặng lẽ phấn đấu xây dựng và trưởng thành, người Hàn Quốc đã tự hào nhận được sự ca ngợi về "kỳ tích sông Hàn" với nền kinh tế phát triển, văn hoá văn minh và mang đậm bản sắc văn hoá Hàn Quốc…
Nguyên nhân thành công trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá ấy đã được các nhà nghiên cứu Hàn Quốc học trên thế giới chỉ ra và tổng kết, trong đó, yếu tố văn hoá, yếu tố Nho giáo được coi là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội và điều đó đã làm cho một số nhà nghiên cứu chúng ta ngạc nhiên. Sự thực khách quan đó ngày một sáng tỏ và dần dần được các nhà nghiên cứu Hàn Quốc học của Việt Nam xác nhận qua thực tế trên đất nước Hàn Quốc.
Ngay từ sau khi hai nước Việt – Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao cuối năm 1992 cho tới nay, tôi thường xuyên có dịp sang Hàn Quốc học tập và nghiên cứu, trong các cuộc gặp gỡ các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan ở đó, tôi được biết họ nghiên cứu về đề tài "văn hoá hành chính", "văn hoá công ty" của Hàn Quốc và điều đó thực sự gây chú ý đối với tôi.
Về mặt ngôn từ mà nói, những từ ngữ "văn hoá", "hành chính", "công ty" không có gì mới lạ, nhưng ở đây, nó được ghép lại với nhau và trở thành khái niệm, trở thành đề tài mà người ta quan tâm nghiên cứu ở Hàn Quốc để sau đó trở về so sánh, áp dụng những điều hay, ý tốt vào công ty mình, đất nước mình. Vào đầu những năm 90, ở nước ta chưa xuất hiện những khái niệm này, mừng thay là những năm gần đây, thuật ngữ này đã xuất hiện, được nêu ra thảo luận ở một số hội nghị hội thảo và tin chắc rằng nó sẽ đi vào đời sống hiện thực của các cơ quan hành chính, các công ty của chúng ta.
Đối với học giả Hồng Kông, Đài Loan, khi được hỏi về ý nghĩa của thuật ngữ trên, họ trả lời một cách giản dị rằng, đó là nét văn hoá trong cơ quan hành chính, trong công ty, là cái hay cái đẹp, là xây dựng kỷ luật kỷ cương, là hạn chế, trừ bỏ thói hư tật xấu trong cơ quan hành chính, trong công ty làm sao cho công ty phát triển. Thật dễ hiểu và cụ thể! Đối với học giả Hàn Quốc cũng vậy, nhưng họ có nhấn mạnh thêm rằng văn hóa hành chính, văn hoá công ty còn mang nét đặc sắc, phong cách riêng của cơ quan hành chính ấy, công ty ấy.
Như vậy, điều mà các học giả Hàn Quốc nhấn mạnh thêm xem ra có vẻ hoa mỹ, hơi khó hiểu và hơi chung chung, nêu ra trong vấn đề nào thấy cũng có vẻ hợp lý. Nhưng, qua thực tế, ta thấy họ đã làm được. Họ làm ra sao? Cụ thể thế nào? Tôi cũng mạo muội nêu ra những điều cảm nhận được qua thực tế để mọi người tham khảo và suy xét :
1/ Thứ nhất là xây dựng "thương hiệu". .
Bây giờ, người ta hay nói đến hai chữ "thương hiệu" nên tôi cũng dùng theo, nhưng sử dụng đúng sai thế nào cũng cần các nhà kinh tế học am hiểu về ngôn ngữ, về Hán Nôm học nêu ý kiến. Mỗi một khái niệm, một thuật ngữ đều có nội hàm của nó, ở đây thuộc lĩnh vực kinh tế học, xin không dám lạm bàn. Nhưng về mặt ngôn từ mà nói, có thể hiểu rằng đó là tên một hãng, một công ty, là sản phẩm, hàng hoá của một hÂng, một công ty được gắn nhãn mác của công ty đã được chứng nhận, được công nhận bản quyền. ở các nước tư bản nói chung, Hàn Quốc nói riêng, một công ty lớn không chỉ sản xuất, kinh doanh một mặt hàng, một sản phẩm mà đủ các mặt hàng, đảm nhiệm nhiều ngành nghề khác nhau. Tất cả sản phẩm của họ khi đem ra bán ngoài thị trường đều mang nhãn mác của công ty. Mỗi một công ty đều có LOGO, có biểu trưng riêng, có tên gọi mang một ý nghĩa nhất định, ví dụ như công ty DAEWOO có ý nghĩa là vũ trụ bao la, vũ trụ rộng lớn (đại vũ) với biểu trưng con đại bàng đứng trên quả địa cầu, công ty SAMSUNG có nghĩa là ba ngôi sao (tam tinh) …v.v… Có những ý kiến méo mó cho rằng tên thương hiệu không quan trọng lắm vì có thể thay đi đổi lại mà quan trọng hơn là chất lượng sản phẩm. Xin nói rằng một công ty lớn coi trọng tất cả các mắt xích trong một dây chuyền khép kín. Vì vậy, ngay từ bước đi đầu tiên, tên HÂng, tên Công ty được luận bàn và tham khảo nhiều ý kiến của các bậc thức giả.
Khi tên công ty đã được xác định thì ít khi thay đổi mà chỉ các công ty con sau này mọc lên thì thêm từ vào chỉ chuyên ngành cụ thể, ví dụ như Điện tử Sam Sung, ô tô Sam Sung .v.v… Khi công ty lớn mạnh lên, sản phẩm của họ được tung ra thị trường, giành giật được nhiều thị phần thì thương hiệu ấy sẽ có uy tín nhất định đối với khách hàng. Uy tín càng cao thì giá cả cũng nâng lên theo tỷ lệ thuận.
2/ Thứ hai là từng bước xây dựng và giảng dạy truyền thống văn hoá của công ty.
Mỗi một công ty lớn không những có thương hiệu riêng mà còn có bài hát truyền thống của công ty. Nội dung của bài hát thường là khích lệ nhân viên làm việc chăm chỉ, khắc phục khó khăn vươn lên trong lao động sản xuất, tự hào về công ty của mình. Bài hát truyền thống ấy chính thức được cất lên trong những dịp có những sự kiện liên quan đến công ty hoặc cả trong các buổi họp, đôi khi cả trong lúc liên hoan, trà dư tửu hậu. Mỗi nhân viên từ khi bắt đầu gia nhập công ty đều phải học thuộc lòng bài hát đó và suy ngẫm, tìm hiểu về công ty mình.
Phòng truyền thống của công ty được xây dựng và đóng vai trò như một giảng đường trực quan để giảng dạy cho nhân viên công ty.
Ai có dịp sang thăm các công ty lớn của Hàn Quốc thì chắc chắn cũng được tham quan và nghe giới thiệu về truyền thống cũng như thành tựu đạt được của công ty ấy. Trước tiên, các nhân viên được xem các bộ phim VIDEO về quá trình xây dựng và trưởng thành của công ty để phần nào hình dung một cách khái quát ngôi nhà của họ. Sau đó, các nhân viên sẽ được tham quan những thành tựu, những phát minh, sáng kiến mà thế hệ trước đã tạo dựng. Ta gọi nôm na là Phòng truyền thống chứ thực ra là một Triển lãm đẹp với kiến trúc đặc thù, trang trí nội thất và ánh sáng đẹp, có phòng chiếu phim và diễn thuyết riêng. Khách nước ngoài hay các nhà nghiên cứu muốn đến tham quan công ty, thăm xưởng sản xuất đều được đón tiếp nồng nhiệt, được đi tham quan những nơi này và tất nhiên chỉ được nghe lời giới thiệu khái quát về quá trình xây dựng và phát triển của công ty, đó là lời giới thiệu được soạn bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt ta. Điển hình nhất là hai công ty ô tô Hyun dai ở Ul-san và Điện tử SAMSUNG ở Su – Uôn, đến đây, khách hàng hay khách tham quan sẽ cảm nhận ngay được "nét đặc sắc, phong cách riêng" của văn hoá công ty đó. Phòng truyền thống của mỗi công ty đều muốn tạo dựng nét riêng, nét nổi bật, gây ấn tượng đối với khách thăm quan. Đối với nhân viên của công ty, sau buổi tham quan ấy, họ phải viết bài nói về cảm nghĩ của mình, nêu ý kiến của mình một cách dân chủ đối với mọi vấn đề mọi góc cạnh, mọi phát kiến mà họ đã được nghe được thấy.
3/ Thứ ba là giáo dục kỷ luật lao động, xây dựng tính tự giác,tác phong công nghiệp, phát huy tính sáng tạo của nhân viên. .
Kỷ luật lao động ở đây không chỉ là giáo dục kỷ luật không được đi muộn về sớm, lao động tự giác trong "tám giờ vàng ngọc" mà bao gồm rất nhiều vấn đề từ trang phục trong công ty, trang phục an toàn lao động trong sản xuất, cách xưng hô chào hỏi, làm việc chăm chỉ, thực hành tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ môi trường xung quanh.v.v…
– Về trang phục : Mỗi một công ty đều có trang phục riêng, có LOGO hoặc biểu trưng riêng để phân biệt. Trang phục có nhiều loại khác nhau tuỳ theo công việc cụ thể như làm việc ở văn phòng, ở xưởng sản xuất, ở siêu thị, đi quảng cáo.v.v… Quy định ngày mặc cũng rất cụ thể, nhân viên văn phòng và công nhân ở xưởng máy thì thường xuyên phải mặc trong khu vực làm việc.
– Về cách xưng hô, chào hỏi :
Các công ty Hàn Quốc phần lớn là công ty tư nhân, từ các công ty lớn (nay hay gọi là tập đoàn)(1) đến các công ty vừa và nhỏ đều do các ông chủ có cổ phần lớn nhất đứng đầu. Ông chủ ấy được gọi là Chủ tịch Hội đồng quản trị, phía dưới gồm rất nhiều chức vụ khác nhau : Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc điều hành, Phó giám đốc thương mại, Trưởng ban, Trưởng phòng, Đội trưởng, Quản đốc, Tổ trưởng.v.v…
Và cách xưng hô, chào hỏi trong công ty không có "chú chú cháu cháu", không gọi tên mà gọi họ kèm với chức vụ. Tiếng Hàn Quốc có đặc điểm là có mấy cách nói khác nhau : cách nói tôn kính lịch sự, cách nói thân mật, cách nói thông thường và cách nói tôn kính lịch sự được sử dụng để giao tiếp trong công ty.
Khi nhân viên cấp dưới gặp cấp trên bắt buộc phải chào, hai tay buông thẳng, cúi người cùng với câu chào lịch sự, cúi người càng thấp tức là càng biểu thị sự tôn kính, tôn trọng. ở các phòng ban, nhân viên thường phải đến sớm trước giờ làm việc từ 10 đến 15 phút chuẩn bị và bắt tay vào làm việc, khi trưởng phòng đến, tất cả nhân viên phải đứng dậy, cúi người và chào một cách nghiêm chỉnh. Lúc ra về cũng vậy, các nhân viên thường tỏ ra cần mẫn, chăm chỉ, lui lại từ 10 đến 15 phút mới về, cho nên trưởng phòng thường ra trước và nhân viên cũng chào trưởng phòng như thế. Ngoài các chức vụ ra, theo truyền thống Hàn Quốc, trong cùng ngành nghề còn chia ra hai thứ bậc là tiền bối và hậu bối (tức đàn anh đàn em hậu bối phải chào tiền bối, kính trọng tiền bối, muốn nêu ý kiến gì phải có lời rào đón lịch sự.
– Chấp hành kỷ luật lao động, thực hiện chế độ dân chủ, phát huy tính sáng tạo, tính tự giác tác phong công nghiệp của nhân viên nhưng phải tôn trọng giá trị truyền thống và pháp luật.
Như trên vừa nêu, nhân viên công ty thường đến sớm từ 10 đến 15 phút để chuẩn bị và bắt tay vào việc, làm việc chăm chỉ từ 9 giờ sáng đến 5
giờ hoặc 5 giờ rưỡi chiều tuỳ theo thời gian ăn trưa nhiều hay ít. Bữa trưa của người Hàn thường rất đơn giản nên hai bữa sáng và tối là hai bữa chính. Những bà mẹ, người vợ thường dạy sớm chuẩn bị bữa sáng cho chồng con (có người còn chuẩn bị cơm hộp, đồ uống cho chồng con vào bữa trưa), chăm lo sức khoẻ cho chồng con đi làm. Nhân viên khi đến làm việc tuyệt đối không được tỏ ra uể oải, mệt mỏi, tác phong công nghiệp luôn được thể hiện trong công việc. Vì thế, các loại thức ăn bổ dưỡng, đủ vi chất và thuốc bổ, thuốc tăng lực được các bà mẹ, người vợ chuẩn bị đầy đủ ở nhà. Sau giờ làm việc, nếu nhân viên có ý kiến gì sẽ đề đạt với cấp trên và cấp trên (trực tiếp là trưởng phòng) chủ động gặp gỡ, cùng đi ăn cơm và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân viên, động viên, cổ vũ nhân viên trong công việc, tiếp thu ý kiến và phát kiến phát minh của nhân viên rồi đệ trình lên cấp cao hơn. Chế độ dân chủ được phát huy rộng rãi, mọi người đều có quyền nêu kiến nghị của mình, nếu kiến nghị chính đáng mà chậm hoặc không được giải quyết, họ có thể biểu tình, đình công cá nhân hoặc tập thể. Nhưng khi mọi qui định đã được đề ra, cấp dưới phải phục tùng cấp trên và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cấp dưới nói năng cũng phải sử dụng cách nói kính ngữ. Đó là truyền thống văn hoá của dân tộc Hàn, truyền thống đó không những vẫn được duy trì trong các cơ quan hành chính, các công ty mà còn ở trong giao tiếp xã hội, đồng thời, việc sử dụng cách nói đúng cũng phản ánh văn hoá của công ty cao hay thấp, con người ấy lịch thiệp hay không lịch thiệp, trình độ văn hoá đến đâu.
Thực hiện chế độ dân chủ, xây dựng tác phong công nghiệp, phát huy tính sáng tạo tính tự giác của nhân viên công ty là nội lực mạnh để cạnh tranh với công ty khác. Cạnh tranh là cuộc chiến không khoan nhượng. Sự thoả hiệp với công ty cạnh tranh với mình có thể là điều bắt buộc trong những tình huống bất khả kháng, nhưng cạnh tranh để phát triển, để vượt lên trên đối thủ là bản chất của các công ty Hàn Quốc nói riêng, các nước tư bản nói chung. Để cạnh tranh tốt và khẳng định mình, loại bỏ đối thủ, các công ty trước hết phải dựa vào nội lực, nội sinh, tức là ngoài việc phát triển sản xuất một cách đều đặn, các phát minh, sáng chế nghiên cứu khoa học luôn luôn được đầu tư và khuyến khích để tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng cao hơn, hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Để tăng cường nội lực, nội sinh, một bí quyết là giáo dục cho nhân viên lòng trung thành tuyệt đối với công ty.
Trong các công ty Hàn Quốc, tuy không có chế độ làm việc suốt đời như các công ty Nhật Bản, tức là cống hiến trọn đời, trung thành suốt đời với một công ty, các công ty Hàn Quốc đều rất chú trọng việc giáo dục lòng trung thành cho nhân viên. Sự trung thành đó được giáo dục theo cả hai cách truyền thống và hiện đại. Những luân lý Nho giáo truyền thống về lòng trung thành được khai thác và giảng giải. Vốn là đất nước lễ giáo, những lễ giáo về lòng trung thành mang tính truyền thống dân tộc dễ dàng được nhân viên tiếp nhận, những đạo lý về nhân cách, về lòng trung thành với "minh quân" được giảng dạy khá thường xuyên và nhân viên cấp dưới luôn bị cấp trên "soi xét". Còn cụ thể trong đời sống thực tế hàng ngày, lòng trung thành còn được giáo dục và xem xét từ các hành vi :
+ Cúc cung tận tuỵ với công việc được giao hay không?
+ Có giữ bí mật thông tin về công nghệ, giá cả đầu vào, đoàn kết nội bộ, thời gian hoàn thành sản phẩm và tung ra thị trường .v.v… hay không?
Lòng trung thành được giáo dục, được tạo dựng theo nguyên tắc như vậy đã tạo ra một sức mạnh tiềm tàng, hay nói cách khác là tăng cường nội lực, có người còn gọi là "tăng thêm nguyên khí" trong cơ thể của một công ty.
Một bí quyết nữa để tăng cường nội lực là giáo dục tính trung thực cho nhân viên. Tuy khoa học kỹ thuật phát triển mạnh ở Hàn Quốc, chế độ kiểm kê, kiểm toán đã được điện tử hoá, các máy camera được đặt ở mọi vị trí xung yếu để kiểm tra nhưng không vì thế mà giáo dục tính trung thực cho nhân viên bị xem nhẹ. Tính trung thực là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu trong việc tuyển chọn nhân viên và đề bạt thăng chức. Trung thực trong kiểm toán, trong công việc sẽ bảo đảm chất lượng sản phẩm; báo cáo số liệu chính xác để cấp trên có kế hoạch đúng đắn và kịp thời. Từ đó, chất lượng sản phẩm sẽ được bền vững và có uy tín với khách hàng, sản xuất mới ổn định và phát triển. Báo cáo sai, báo cáo giả là biểu hiện của tính không trung thực sẽ đục ruỗng công ty và dần dần làm cho công ty phá sản.
4/ Thứ tư là quan hệ giữa các cấp lãnh đạo với nhân viên
Ở Hồng Kông, Đài Loan và ngay cả các công ty tư nhân ở Trung Quốc lục địa, từ "ông chủ" (lao ban) thường xuyên xuất hiện. Nhưng, ở Hàn Quốc, từ này không thấy được sử dụng trong công ty mà từ Ngài giám đốc, Ông giám đốc (Sa-chang-nim) thường xuyên được nhắc tới. Người trực tiếp điều hành công việc trong công ty là giám đốc. Giám đốc có thể là người được thuê do có năng lực và trình độ chứ không nhất thiết là người có vốn nhiều nhất. Người có cổ phần lớn nhất là Chủ tịch Hội đồng quản trị như trên vừa nêu có quyền lớn nhất. Ông chủ tịch này ít tiếp xúc với các nhân viên, chỉ có những ngày đại lễ trong công ty thì mới xuất hiện và có lời chúc mừng hoặc ra chỉ thị. Người trực tiếp quản lý nhân viên là giám đốc và các chức vị dưới. Quan hệ trong công ty là quan hệ trên dưới, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, hậu bối phải nghe theo tiền bối, dân chủ vẫn được phát huy như trên đã đề cập nhưng không có nghĩa là cào bằng. ở các công ty nhỏ, các chức vị trung gian ít hơn và giám đốc thường là người bỏ vốn và trực tiếp điều hành công việc thì quan hệ giữa giám đốc và nhân viên gần gũi hơn, có tính chất gia đình hơn. Nhưng, về cách xưng hô, ăn nói, chào hỏi và tác phong làm việc thì cũng học tập theo công ty lớn. Trong những ngày lễ tết, sinh nhật hoặc gia đình có tang lễ của nhân viên, các công ty thường có thiếp chúc mừng, lời chia buồn hoặc quà hiếu hỉ. Đặc biệt là vào dịp tết âm lịch giống như ở nước ta và dịp rằm trung thu, một ngày lễ lớn của dân tộc Hàn thì quà chúc mừng thường nhiều hơn, tiền thưởng cũng nhiều hơn. Điều đó khiến cho quan hệ giữa nhân viên và công ty ngày càng thắt chặt và nhân viên cố gắng làm việc chăm chỉ, coi công ty như của mình.
Lý Xuân Chung – Viện nghiên cứu Đông Bắc Á