Quả thật Entry này định viết lâu rồi từ ngày dự bàn tròn doanh nghiệp ở YBA (05.06.2008). Nhưng mãi tận hôm nay mới viết bận thì cũng có nhưng lý do chính là vì lười.
Hôm đó được gặp các nhà báo kỳ cựu như Nhà báo Trần Thế Tuyển – Tổng Biên Tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Nhà báo Nguyễn Văn Tín – Phó TBT của Báo Người Lao Động, Nhà báo Phương Toàn – Trưởng ban kinh tế Báo Tuổi Trẻ, Nhà báo Thanh Phương – Saigon Times Group, Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Anh Phúc Tiến, các Doanh nhân trẻ và các anh chị biên tập viên cũng như các anh chị đang công tác tại phòng PR, Marketing của các công ty hội viên của YBA.
Hàng loạt ý kiến phát biểu xoay quanh việc các doanh nghiệp muốn tiếp xúc với giới báo chí khó, rồi ngược lại Báo Chí tiếp xúc với doanh nghiệp khó. Những khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng các thông tư, nghị định mới của chính phủ ban hành không được giới báo đưa lên triệt để, hay các tờ báo mới ra thì liên tục gọi điện cho Giám Đốc để chào quảng cáo…Nói tóm lại là Báo giới và doanh nghịêp, doanh nhân chưa tìm được những điểm chung để bổ sung cho nhau. Các ý kiến cuối cùng cũng đưa ra được những giải pháp cho việc kết nối giữa báo giới và Doanh nghiệp làm sao “bay cùng hướng và chuyên nghiệp hơn”.
Thông qua ý kiến của nhà báo Phương Toàn thì “các công ty dù lớn hay nhỏ nên có phòng PR hay người phát ngôn, doanh nghiệp nên giao tòan quyền phát ngôn cho chuyên viên phát ngôn hoặc nhân viên PR để thông tin chính xác và kịp thời. Vì hiện nay chuyên viên PR tại các doanh nghiệp muốn nói gì cũng phải thông qua Giám Đốc, họ mất đi quyền tự chủ và chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình, do đó thông tin cho giới báo chi đôi khi không rõ ràng”. Mình nhận ra rằng đây là một ý kiến khá hay vì thường những công ty lớn, chuyên nghiệp đều có.
Thường thì Tổng thống, các ông chủ ở tập đoàn lớn hay thậm chí ngay cả một ca sĩ, danh thủ bóng đá cũng có người phát ngôn riêng. Thường các công ty vừa và nhỏ của chúng ta thì Giám Đốc cũng là người phát ngôn của công ty, nhưng Giám đốc thì biết bao nhiêu chuyện phải giải quyết vì vậy việc có phòng PR hay người chịu trách nhiệm về phát ngôn cho công ty là việc cần thiết. Nhưng trên phương diện của người làm Marketing thì doanh nghiệp kiếm được người này cũng không phải là dễ, mình có một số điều đưa ra để mọi người cùng chia sẻ xem đúng không:
1. Thứ nhất Người này là người có kiến thức sâu rộng, phải hiểu rõ được các hoạt động kinh doanh của công ty, có tầm nhìn và chắc chắn phải có tài ăn nói và phát ngôn.
2. Thứ hai là người chịu trách nhiệm và có mối quan hệ tốt không những với giới báo chí truyền thông mà còn với các đối tác. Không đơn thuần là việc công ty tổ chức sự kiện (events) cho ra mắt sản phẩm mới, ra mắt show room hay họp báo… một ví dụ như việc xây cao ốc Pacific làm sập tòa nhà của Viện KHXH Miền Nam, nếu công ty có ngay thông tin cung cấp cho báo giới chính xác và kịp thời thì doanh nghiệp sẽ tránh được những tổn hại về uy tín không đáng có.
3. Sự thay đổi nhân sự ở các công ty trong bộ phận PR hay phát ngôn trong thời buổi hiện nay thì liệu nhân sự mới trong thời gian ngắn có cùng mối quan hệ với báo giới truyền thông hay quan hệ với các đối tác trong ngành của mình như ngừơi cũ hay không? Trừ khi nhảy từ đối thủ này qua đối thủ khác.
Đoạn kết còn bỏ ngỏ nhưng thiết nghĩ việc doanh nghiệp có phòng PR hay người phát ngôn chuyên nghiệp trên thế giới đã có từ rất lâu rồi. Chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta thì chưa có thôi.
SG-10/07/2008
Vũ Thành Nam Đức