Trong cuộc sống hàng ngày, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những người tuy tuổi không còn nhỏ nhưng hành động & cư xử của họ gần như hoàn toàn bản năng. Người không hiểu, có thể nghĩ họ là người vô trách nhiệm, ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình mà không nghĩ cho những người xung quanh. Thực ra không hẳn vậy. Họ không ích kỷ, cũng không vô trách nhiệm mà đơn giản, giống như trẻ con, khi hành động, nó thường chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu bản năng mà không kịp suy nghĩ. Đấy là hội chứng "trẻ con lâu năm".
Đâu là nguyên nhân? …
Hội chứng này, gần như chỉ ở Việt Nam mới có. Nguyên nhân bắt đầu từ nền văn hoá phương đông, văn hoá gia đình. Các bậc cha mẹ Việt thường luôn thấy con mình bé bỏng, cần được bảo vệ. Và họ đã ra sức bảo vệ con với mọi phương pháp & hình thức. Được bảo bọc cẩn thận quá khiến trẻ không có điều kiện tiếp xúc với môi trường & cuộc sống. Vì vậy, trẻ trở nên thụ động, khả năng nhận thức và tư duy không có cơ hội phát triển, thậm chí là bị triệt tiêu với những quan niệm "trứng sao khôn hơn vịt", "áo mặc sao khỏi đầu",…
Và bài học giáo dục
Ngày xưa, ông bà ta có câu: "dạy con từ thuở lên ba". Nghĩa là trẻ ba tuổi đã phải được giáo dục. Thực tế ngày nay, nhiều cha mẹ đã bắt đầu giáo dục cho con từ thai kỳ tháng thứ 3 trở đi với các phương pháp: cho nghe nhạc, nghe kể chuyện, nói chuyện với thai nhi để tập cho con nhận thức. Tập vận động cho thai nhi bằng cách xoa bụng thai phụ để thai nhi làm quen & vẫn động theo. Tập cho thai nhi phản xạ bằng cách chiếu đèn vào bụng thai phụ,…
Khi trẻ lọt lòng, ở giai đoạn từ 0 – 6 tuổi là giai đoạn định hình nhân cách, giai đoạn từ 6 -12 tuổi là giai đoạn hoàn thiện nhân cách. Đây là hai giai đoạn giáo dục quan trọng nhất của đời người.
Giai đoạn 1: Định hình nhân cách
Giai đoạn đầu, từ 0 -3 tuổi, trẻ làm quen với thế giới xung quanh và hoàn toàn chưa có ý thức, trẻ chỉ biết hành động theo nhu cầu bản năng: đói thì khóc đòi bù rồi đòi ăn, khát cũng khóc, thích gì trẻ cũng đòi cho bằng được mà không biết cha mẹ có đủ khả năng cho trẻ hay không. Nếu hầu hết đòi hỏi đều được đáp ứng, trẻ sẽ quen dần và ngày càng có nhiều nhu cầu và đòi hỏi nhiều hơn mà ít quan tâm đến nhu cầu người khác, vì trẻ ngấm ngầm hiểu, mình là có quyền & đòi hỏi của mình luôn phải được thoả mãn. Thói quen ỉ lại, ích kỷ dần dần hình thành.
Giai đoạn từ 3 -6 tuổi, trẻ đã có những nhận thức nhất định và bắt đầu thực hiện phương pháp tư duy tự nhiên đầu tiên & đơn giản nhất của mọi sinh vật là "thử và sai". Nghĩa là thử và nếu sai thì sửa. Nếu hầu hết các phép thử đều sai, trẻ sẽ bị tổn thương và thiếu tự tin, không dám tiếp tục thử. Trẻ sẽ bị khiếm khuyết khả năng tư duy. Nếu tất cả các phép thử đều đúng, trẻ sẽ tự tin, chủ động tiếp tục các phép thử khác. Vì vậy, kỹ năng tư duy sẽ có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, nếu mọi trường hợp thử đều thành công, trẻ sẽ dễ bị chủ quan đến mức quá tự tin và khi điều kiện không thuận lợi, thất bại, trẻ sẽ dễ bị suy sụp & không đủ sức đứng dậy. Vì vậy, trong giai đoạn này, các bậc cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ thử và để mắt đến trẻ để tránh cho trẻ những thất bại quá thường xuyên và nặng nề. Nhưng vẫn nên để cho trẻ có những phép thử sai. Vì sau mỗi lần sai ấy, trẻ sẽ học được rất nhiều điều, nhất là khả năng nhận thức. Từ đây, trẻ sẽ nhận thức được đúng – sai và biết suy nghĩ để tìm giải pháp đúng – có ích. Vì vậy, quá trình hình thành nhân cách của trẻ dần dần hoàn thiện hơn.
Giai đoạn 2: Hoàn thiện nhân cách
Giai đoạn này, trẻ đã tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn, trẻ bắt đầu có ý thức thể hiện bản thân và tìm cho mình cách hành xử riêng. Giai đoạn này, trẻ bắt đầu phát huy sáng tạo mạnh mẽ nhất. Nếu giai đoạn này thành công, trẻ sẽ biết tự hào về bản thân, biết tự trọng & tôn trọng người khác. Đồng thời, trẻ có thêm kinh nghiệm & nghị lực để đối đầu với cuộc sống trong tương lai và thành công. Nhân cách của nhóm trẻ này sẽ rất tự tin, chủ động, quyết đoán và trách nhiệm.
Nếu những ý kiến của trẻ bị bắt bỏ, hành động của trẻ bị thất bại thường xuyên, trẻ sẽ có nguy cơ tự ti, mặc cảm mình thua kém và càng rút vào vỏ ốc. Khả năng sáng tạo bị mai một dần. Trẻ nhút nhát, tìm chỗ nương náo và không dám đương đầu với những khó khăn trong tương lai và chuỗi thất bại sẽ luôn rình rập suốt cuộc đời trẻ. Nhóm trẻ này có nguy cơ tìm chổ ẩn nấp, thái độ sống tiêu cực, sợ trách nhiệm và bệnh đổ lỗi hình thành.
Nếu bạn giáo dục con tốt ở hai giai đoạn này, bạn sẽ không lo con bạn hư hay thất bại. Ngược lại, khi đến tuổi 15 -16, trẻ bắt đầu có nhu cầu khẳng định bản thân, trẻ sẽ có hai thái cực: hoặc là quá nhút nhát, hoặc quá bạo liệt dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật, bạo hành,…
Tiếc thay, cho đến nay, chúng ta vẫn không khó khăn gì để tìm thấy những bậc cha mẹ, dù con đã già, nhưng vẫn cứ thích đưa ra ý kiến, thậm chí là can thiệp & chỉ đạo cho con. Vì vậy, hội chứng " trẻ con lâu năm" vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhất là khi điều kiện kinh tế càng phát triển, các bậc cha mẹ càng muốn bù đắp cho con nhiều hơn những gì ngày xưa mình không có hoặc chưa làm được. Tre già – măng mọc là quy luật của tự nhiên. Nhưng nếu tre già mà măng không mọc nổi là hiểm hoạ của cả một dân tộc.
Source from Kim Thuỷ – Softskills