Nhân ngày 13.10 ngày doanh nhân Việt Nam, chia sẻ với mọi người 02 bài viết 01 của 02 người bạn, đặc biệt là 01 bạn già và 01 bạn trẻ với 02 cách nhìn khác nhau nhưng cùng tâm huyết.
Bài viết “Doanh Nhân Dũng Cảm” của Anh Trần Minh Trọng trên báo tuổi trẻ ngày 13.10.2011 Và bài viết “Doanh nhân – người chèo thuyền” của Anh Phạm Quốc Hưng đăng trên vnexpress.
…
TT – Doanh nhân là từ có lẽ thích hợp nhất để chỉ những chủ doanh nghiệp vừa bỏ vốn đầu tư vừa dành thời gian điều hành trực tiếp doanh nghiệp. Có hai yếu tố này, những chức danh như chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp mới thật sự là doanh nhân.
Khi bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, dù vài chục triệu hay vài tỉ, doanh nhân mới thật sự có được tâm trạng “của đau con xót”, “đồng tiền gắn liền với khúc ruột”.
Tác giả Fernando Trías de Bes trong quyển sách Sách đen về tinh thần doanh nhân đã so sánh doanh nhân như người lính cứu hỏa. Có lẽ cách ví von này hơi khập khiễng, nhưng ông muốn nhấn mạnh phẩm chất tương đồng của hai nhân vật chính là lòng dũng cảm.
Một nữ doanh nhân ở tuổi 30, cách đây hơn một năm, chị còn là một công nhân đi làm thuê, nay đang là giám đốc một công ty kinh doanh nông sản. Một năm lặn lội ở chợ đầu mối, tìm cách đưa rau củ vào bán ở siêu thị, nữ doanh nhân này nhận ra bài học mà trước đó chưa hề nghĩ đến: đồng tiền có một sức mạnh to lớn, có thể làm được nhiều việc. Vì tiền, một số doanh nghiệp kinh doanh rau củ tự xưng là sạch có thể không cần trồng trọt mà chỉ cần ra lấy hàng từ chợ đầu mối đem về đóng bao, dán nhãn các tiêu chuẩn chất lượng để bán.
Dĩ nhiên để vào được siêu thị là nhờ tiền. Tiền sẽ giúp hàng hóa của công ty được đặt để ở những chỗ dễ thấy hơn. Nhờ tiền, kế toán trưởng sẽ chi trả tiền hàng sớm hơn, thậm chí vị kế toán kia còn mách nước và sẵn sàng “bảo kê” nếu đi qua Campuchia mua rượu (phần lớn là giả) để bán trong siêu thị. Thật mừng vì nữ doanh nhân trẻ đã từ chối lời gợi ý này. Đó cũng là một sự dũng cảm!
Một doanh nhân có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thời trang gần đây chia sẻ: có đêm mình mong sao trời lâu sáng để không phải nghĩ đến việc làm sao chạy đủ tiền trả lãi ngân hàng, tiền trả lương cho nhân viên tháng này. Để đừng phải nghĩ đến công việc kinh doanh vì mình đã cảm thấy đủ với những tài sản và vinh quang có được. Thế rồi, mỗi buổi được thức dậy, vị doanh nhân đó tự nhắc mình phải can đảm hơn. Suy nghĩ để thuyết phục chính mình là không thể chỉ biết sống cho riêng mình. Nếu chỉ có bản thân và gia đình mình, tài sản có được bán đi gửi ngân hàng lấy lãi chắc chắn sẽ có được cuộc sống thảnh thơi. Thế nhưng, nếu mình buông xuôi thì hàng chục nhân viên, hàng trăm thành viên trong gia đình của họ sẽ gặp khó khăn như thế nào trong cuộc sống. Sống dám nghĩ đến người khác là dũng cảm.
Và không ít doanh nhân đã thành công về tiền bạc và danh tiếng ngay cả những thời kỳ khó khăn của môi trường kinh doanh. Thế nhưng, khi tiền bạc rủng rỉnh, có quyền lực và được nhiều người biết đến, những cám dỗ hưởng thụ, thỏa mãn trở nên mạnh mẽ hơn khi sống khó khăn. Để thành công hôm nay không là nguyên nhân của thất bại ngày mai, những doanh nhân đó lại phải đủ can đảm chiến thắng những thói quen xấu, những nhu cầu vô hạn của bản năng con người.
Mới đây, một nhóm hơn 20 doanh nhân đã cùng nhau tạo thành một nhóm những công ty cùng cam kết trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình sẽ mang lại hạnh phúc cho nhân viên, khách hàng và đối tác. Họ cùng bắt tay, hỗ trợ nhau xây dựng công ty của mình thành công ty hạnh phúc.
Các công ty sẵn sàng dành một phần lợi nhuận hoặc một phần vốn của công ty để cho nhân viên được tham gia những chương trình huấn luyện khai phá tiềm năng bản thân, hiểu hơn về chữ hiếu với cha mẹ, chữ tình với bạn bè, đồng nghiệp, chữ nghĩa với vợ hoặc chồng.
Những lãnh đạo doanh nghiệp cam kết cân bằng ba mục tiêu: tạo ra lợi nhuận – phát triển con người và đóng góp cho xã hội thông qua hoạt động của doanh nghiệp. Và những người lãnh đạo sẽ là những người làm gương thực hiện những việc nhỏ nhất mỗi ngày để xây dựng các giá trị chân thành – bao dung – lạc quan trong quan hệ ứng xử giữa người và người.
Đây cũng là hành động dũng cảm của những doanh nhân trong bối cảnh hiện nay khi mà những cuộc biểu tình chống những doanh nghiệp tham lam đang lan rộng ở Mỹ và châu Âu.
TRẦN MINH TRỌNG
Báo Tuổi Trè 13.10.2011
Doanh nhân – người chèo thuyền
Giữa muôn ngàn nghề nghiệp, thì nghề kinh doanh cũng là một công việc có tính chất tổng hợp. Nghề kinh doanh như người chèo thuyền, phải sắm sửa chiếc thuyền sao cho phù hợp, rồi chọn bến bãi, rồi đợi chờ khách, rồi lèo lái đưa họ qua bên kia bờ, rồi ngày lại ngày trôi qua cứ như vậy…
Tuy nhiên người chèo thuyền này có chèo chiếc thuyền tốt hay không, có bền vững qua năm tháng hay không, có được nhiều người yêu mến và nhớ hay không, và chính người chèo thuyền có hạnh phúc hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào chính người chèo thuyền, vào thời gian, hoàn cảnh, vào bến bãi, vào tâm lý người đi thuyền và cả con sông, biển cả đó nữa.
Nhưng trước hết, người chèo thuyền phải có cái “Tâm”. Phải tìm hiểu và lựa chọn nguyên liệu gỗ, thép thật tốt, đóng thật kỹ, soi xét kỹ lưỡng từng vết ghép, từng loại chất keo kết dính; còn phải biết dung hòa, động viên khích lệ cộng sự, người đóng thuyền làm việc thật nhiệt tình, thật tâm huyết, để cho thuyền được đẹp, được bền chật, được hữu ích vá có lợi nhất cho người đi thuyền… phải biết tìm hiểu kỹ, cái gì cần trang bị thêm cho tốt, cho tiện ích cho người đi thuyền được an toàn, được thoải mái, được an tâm khi ngồi trên thuyền dù khi đó, có thể có mưa gió, bão, có sóng xô, có nắng gắt hay có sự cố bất ngờ xảy ra.
Người chèo thuyền phải hết sức dành thời gian và tâm huyết để kiểm tra chiếc thuyền trước khi đưa vào sử dụng, trước khi đón khách xem có bị mối mọt, bị tì vết hay có gì không hay xảy ra không… còn phải biết dự đoán thời tiết, cập nhật thông tin từng ngày, từng giờ về bến bãi, về điều kiện khách quan và môi trường như lễ hội, hay quy định của chính quyền địa phương sở tại.
Người chèo thuyền cũng không được lơ là trong suốt quá trình đưa khách qua bờ, dù mọi thứ đã được kiểm tra kỹ trước đó. Phải thường xuyên theo dõi, giám sát và phát triển các ý tưởng, tìm hiểu tâm lý người đang đi thuyền v.v để sau đó có thể phục vụ tốt hơn. Người chèo thuyền còn phải biết trang bị các kỹ năng cơ bản, để tránh các thế lực thù nghịch quấy rối để đảm bảo tài sản, tính mạng của mình và hành khách.
Người chèo thuyền cũng phải biết trân trọng và cảm ơn quý khách hàng đã sử dụng dịch vụ của mình, đã hợp tác cùng nhau để có những chuyến hành trình thú vị, bổ ích và an toàn.
Người chèo thuyền có những khoảnh khắc thật lãng mạn khi chèo thuyền đưa khách giữa đêm trăng thanh gió mát, sóng êm biển lặng, sông nước hữu tình, phong cảnh hung vĩ, khách hàng vui tính, hòa hợp, lãng mạn… cũng có những khoảnh khắc đau khổ tột cùng giữa nắng gắt, mưa giông, đêm đông lạnh cắt với bão tố, đói rét cô đơn… cũng có những khoảnh khắc hẩm hiu, vất vả với sự hư hại, rối bời mà chiếc thuyền bị hư hại… cũng có những khoảnh khắc bị bỏ rơi hắt hủi, bị cô lập ruồng rẫy, bị tấn công quấy rối…. Nhưng tấm lòng và tinh thần người chèo thuyền sẽ phải, và vẫn phải mãi mãi không ngại khó khăn, không sợ gian truân, không nề hà nguy hiểm…phải sửa chữa, phải lèo lái để thuyền được tốt lành, để khách an tâm qua tới bến bờ, để mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm, cùng nở nụ cười tới bến bờ và về nhà có giấc ngủ ngon.
Người chèo thuyền có những lúc vinh quang tột đỉnh, sống và sử dụng những tiện nghi tối tân, tốt đẹp cùng những chiếc du thuyền hiện đại sang trọng với đội ngũ cộng sự tài năng và đa dạng, và chu du qua nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều khách hàng sang trọng, đẳng cấp, ở những nền văn hóa phong phú, với những chuyến hải trình vòng quanh thế giới, cùng sự hậu đãi, cảm ơn và tôn trọng của khách…thì người chèo thuyền cũng có những lúc đơn điệu với chiếc thuyền độc mộc, khách hàng lẻ loi bình dân, qua những khúc sông ngắn, con kênh be bé ở những lũy tre làng, cùng chuyến đi ngắn gọn vài giây phút và lặp đi lặp lại hàng ngày…và lắm khi nhận được những lời trách giận, sự khinh rẻ hồ nghi.
Nhưng dù thế nào đi nữa, một đời người, một kiếp người, một nghề giữa bao nghề phục vụ con người, và phục vụ xã hội. Người kinh doanh – Người chèo thuyền không được nao núng, nhụt chí, hoặc tự cao tự đại, hoặc kiêu mạn hoặc buông xuôi. Người chèo thuyền hãy luôn bình tĩnh, tự tin, cầu tiến, sống vì cái tâm của chính mình, đó là góp phần vào sự phát triển của xã hội, vào việc giúp người với người gần nhau hơn, vào sự bình an, phồn thịnh mà khách hàng đã có duyên cùng ta chung một chuyến hành trình trong cuộc sống này.
Doanh nhân – Người chèo thuyền là người làm chủ doanh nghiệp, là người đang làm một việc gì đó trong công ty, tổ chức, cộng đồng…hay nhiều khi đơn giản là một chú bé bán vé số, một bác bán bánh ở vỉa hè, một cô bán nước, một chú xe ôm…Khách hàng là cộng sự, là nguồn lực tổng hợp trong tổ chức, là bản thân người chèo thuyền, là người tiêu dùng, là cộng đồng, là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và cũng là môi trường sống xung quanh… là tất cả những gì giúp cho người chèo thuyền sống, làm việc và tồn tại trên cõi đời này.
Nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10/2011, chúc cho tất cả mỗi người chúng ta, mỗi người mỗi việc luôn là một người chèo thuyền giỏi, luôn tự tin, luôn phấn đấu và luôn vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúc cho các Vị lãnh đạo, các Doanh nhân, các bậc Thiện Tri Thức hạnh phúc cùng gia đình và thành công trong cuộc sống.
Phạm Quốc Hưng, CEO – MELY COMMUNICATION