THẺ ĐIỂM CÂN BẰNG CHO CUỘC ĐỜI

Khai bút đầu xuân. Trong những giờ phút cuối của năm 2017, mọi người tất bật hối hả mua sắm Tết và thu dọn nhà cửa để chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Chợt nghĩ, chúng ta dành nhiều thời gian quét dọn ngôi nhà của mình, thì cũng nên dành một khoảng thời gian tĩnh lặng để ngồi suy ngẫm về một năm đã qua, thu dọn sắp xếp lại cuộc sống của mình để có một khởi đầu mới thuận lợi.
Bài viết này được dành tặng cho những cá nhân đã xác định được Bản thân chúng ta là chủ cuộc đời của mình, và cần Chủ động để tạo ra số phận. Về những điểm này thì cuốn sách “7 Thói Quen Hiệu Quả” của Stephen Covey là kim chỉ nam rất đúng đắn và đáng suy gẫm.
Chúng ta cũng nên làm quen với việc viết ra hình mẫu mà chúng ta muốn trở thành trong 20 năm tới, và viết ra kế hoạch hành động để đạt đến điều đó. Tôi tin rằng đã có nhiều tài liệu viết về điều này, căn bản giống như con mèo trong câu chuyện Alice lạc ở Xứ Sở Thần Tiên từng nói “Nếu bạn không biết điểm bạn muốn đến ở đâu, thì con đường nào cũng có thể dẫn bạn đến đó”.
Những con người đã xác định được mục tiêu và đích đến của cuộc đời mình, họ sẽ biết lựa chọn những kiến thức cần phải thu nạp và dành nhiều năng lượng cho những việc cần làm. Một trong những kỹ năng quan trọng của người trưởng thành là biết từ chối những việc không quan trọng để dành năng lượng và thời gian cho những điều tiên quyết nhất, điều này đã từng được Steve Jobs nhắc đến.
Bên cạnh những điều tuyệt vời kể trên, bài viết này nhằm giới thiệu một khía cạnh khác, một góc nhìn khác trong quản trị cuộc đời, đó là áp dụng nguyên tắc Thẻ Điểm Cân Bằng cho cuộc sống. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực quản trị và lãnh đạo, hẳn đã từng nghe nói hoặc từng áp dụng Thẻ Điểm Cân Bằng (Balanced Scorecard) trong Quản trị. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nói ngắn gọn về lý thuyết này, để tập trung viết nhiều hơn về chủ đề chính. Mọi người có thể tự tìm hiểu thêm về Thẻ Điểm Cân Bằng trong những tài liệu quản trị. Nói nôm na, Balanced Scorecard phân ra bốn lĩnh vực mà người quản trị cần phải quan tâm trong điều hành doanh nghiệp, đó là: Tài chính, Khách hàng, Quy trình nội bộ, và Nghiên cứu để phát triển. Những mục tiêu và kết quả mong muốn sẽ được xác lập trong từng lĩnh vực, xây dựng dựa trên tầm nhìn và chiến lược của công ty.
Thẻ điểm cân bằng là một khái niệm rất thú vị trong quản trị, tuy nhiên việc áp dụng khá phức tạp, đòi hỏi mức độ cam kết cao của cả tập thể. Mục tiêu của nguyên lý này là nhằm tránh cho tổ chức quá tập trung vào một lĩnh vực mà bị vênh cho những lĩnh vực khác, dẫn đến sự phát triển không đồng đều. Đó là lý do tên gọi “Balanced” (Cân bằng).
Quay lại câu chuyện của tôi, tôi đã từng được biết đến khái niệm Thẻ điểm cân bằng cho doanh nghiệp, tuy nhiên đến tận khi tôi được một người anh lớn giới thiệu việc áp dụng Thẻ điểm cân bằng cho cuộc đời, điều này đã làm thay đổi khá nhiều quan điểm của tôi về việc quản trị cuộc đời.
Doanh nghiệp và cuộc đời, tuy rất khác nhưng cũng rất giống nhau. Muốn đạt được mục tiêu, chúng ta đều phải biết quản lý nó. Tôi đã từng thấy nhiều người rất nhiệt huyết, họ mải mê theo đuổi lý tưởng của đời mình, và họ đánh đổi khá nhiều thứ trong cuộc sống cá nhân cho thành công sự nghiệp. Áp dụng Thẻ điểm cân bằng có thể hỗ trợ thay đổi điều đó.
Những nguyên lý áp dụng cũng khá tương tự như cho bên Doanh nghiệp, bạn có thể chia cuộc đời mình thành nhiều lĩnh vực như Tiền & Tài Sản, Gia đình & bạn bè, Sự nghiệp & học vấn, Sở thích, và Sức khoẻ. Đây là hầu hết các mảng lớn trong cuộc đời mỗi con người, bao quát khá nhiều chủ đề nhỏ bên dưới.
Bạn có thể ngồi viết xuống những mục tiêu nhỏ trong từng lãnh vực trong 10 năm tới, sau đó lùi dần xuống 5 năm, và lùi xuống 1 năm. Tôi tránh viết mục tiêu xa hơn 10 năm vì cuộc đời có nhiều biến động, sẽ ảnh hưởng khá nhiều và những mục tiêu quá xa dễ dẫn đến sai sót lớn. Những mục tiêu ngắn hạn nên hỗ trợ trong việc thực hiện mục tiêu dài hạn.
Sau khi đặt ra các mục tiêu thì bạn có thể soạn kế hoạch hành động, và đặt ra các OKRs (Objectives & Key Results) thật cụ thể để đo lường. Việc đo lường và theo dõi là cực kỳ quan trọng, vì nếu không đo lường thì việc đạt đến mục tiêu là rất khó.
Lấy ví dụ, trong mục Tiền & Tài sản, tôi đặt ra mục tiêu trọng 5 năm sẽ mua được căn trị giá 4 tỷ, thì tôi tưởng tượng ra trong năm đầu tiên tôi sẽ phải để dành dược tầm 500 triệu (kế hoạch mua nhà trả góp, và ít nhất phải trả được tiền mặt 50% giá trị căn nhà ngay ban đầu, phần còn lại vay ngân hàng. Phần này tôi không đi sâu vì thuộc về chủ đề tài chính cá nhân). Việc đặt ra mục tiêu thì nên theo đúng chuẩn SMART (Specific – Cụ thể, Measurable – Đo lường được, Attainable – Thực hiện được, Relevant – Phù hợp, Time-limited – Có thời gian cụ thể). Muốn để dành dược 500 triệu thì mỗi tháng tôi cần để ra được tầm hơn 40 triệu, và tôi phải kiếm từ nhiều nguồn vì thu nhập lương sau khi trừ chi phí cho bản thân và gia đình thì không đạt được mức đó.
Mục tiêu cần thực hiện với tinh thần thử và sai, khi bạn tính toán càng chi tiết, bạn thấy không hợp lý thì cần phải điều chỉnh lại. Chủ yếu bạn cần phải đặt ra mục tiêu khả thi, và điều chỉnh những thứ liên quan, bao gồm cả mục tiêu lớn hơn và kế hoạch hành động.
Bạn nên dành một thời gian yên tĩnh để ngồi viết xuống Bảng thẻ điểm cân bằng cho cuộc đời mình. Mỗi lĩnh vực nên có khoảng từ 3-5 mục tiêu, nhiều mục tiêu quá sẽ dễ bị loạn. Hãy tưởng tượng hình mẫu mà bạn hướng đến và tất cả những lĩnh vực liên quan đến hình mẫu đó, để bạn có Thẻ điểm phù hợp nhất.
Thẻ điểm này sẽ là kim chỉ nam cho bạn hành động. Và bạn nên dành thời gian theo tháng, theo quý, lần lượt ngồi đọc lại, xem những gì mình đã đạt được và chưa đạt được, tìm hiểu nguyên nhân tại sao và có biện pháp khắc phục. Một trong những điểm hay của phương pháp này là bạn sẽ biết để cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân, ví dụ như tôi đặt ra mục tiêu mỗi tháng dù bận đến mấy vẫn đưa gia đình đi ăn ở ngoài ít nhất 2 lần.
Phương pháp này ban đầu sẽ hơi phức tạp, tuy nhiên nếu bạn thử áp dụng có thể sẽ thấy nó rất hay và khoa học.
Tôi cũng hiểu nhiều người sẽ cảm thấy băn khoăn khi áp dụng phương pháp này thì liệu cuộc đời có quá cứng nhắc và tẻ nhạt, nên tôi cũng cần khuyến cáo trước rằng phương pháp này áp dụng cho những bạn mạnh về não trái, đầu óc thích phân tích và khoa học.
Phương pháp này cũng sẽ không đảm bảo cho bạn thành công, vì thành công thật sự rất mơ hồ và tuỳ theo mỗi người định nghĩa. Phương pháp này sẽ có ích khi bạn muốn sống một cuộc đời hiệu quả, một cuộc sống định hướng và cân bằng. Cũng như cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” của Stephen Covey khi được tái bản cũng được dịch thành “7 thói quen hiệu quả”, đúng với tinh thần của nguyên tác là “Seven Habits of Highly Effective People”. Hiệu quả khác với thành công. Việc đặt tên sách cũ cũng chỉ để bán được nhiều sách hơn.
Thời gian cuối năm, sau khi dọn xong bữa cơm cúng ông bà, sau khi đã hoàn tất dọn dẹp và mua sắm, không khí thật tĩnh mịch và yên bình. Dừng lại nhịp sống hối hả hàng ngày, bạn hãy ngồi xuống ngẫm nghĩ về một năm đã qua, và chuẩn bị viết lên một chương mới của cuộc đời mình.
Trong năm mới, hãy sống vui vẻ, tươi mới và yên bình như mỗi ngày đều là Tết, hãy yêu thương người khác như mỗi ngày đều là Valentine, để khi đến chính những ngày lễ này chúng ta có thể dừng lại, để suy nghĩ cho bản thân mình và những việc mình đã, đang và sẽ làm.
Tuan Nguyen – Nguồn from Gorup QTvKN
14/02/2018 / Tết Mậu Tuất 2018 / Posted by Vu Thanh Nam Duc