Thi Bằng Lái Xe Đò
(Bài học về vượt qua chính mình.)
—
“Trong cuộc sống con phải biết vượt qua giới hạn của bản thân mình”. Luca Vũ Đức Lợi
—
Năm 1980-1981 chắc tôi 5-6 tuổi gì đó, Bố tui dẫn tui ra chỗ thi bằng lái xe đò. Tui quen gọi là xe đò vì thấy bố tui gọi vậy. Sau này tìm hiểu đọc nghiên cứu của nhà văn Sơn Nam tui mới biết vì Đông Nam Bộ sông rạch nhiều nên mỗi lần xe qua các tỉnh lỵ người dân phải đi đò nên gọi là xe đò. Còn lơ xe (phụ xe) gọi theo tiếng pháp là controler nên lấy chữ cuối thành Lơ xe đò. Rồi tìm hiểu thêm thì dân miền Trung gọi giống miền nam vì nghe đâu mấy người xì Gòn hay đi gọi vậy nên dân miền trung gọi theo. Còn miền Bắc họ gọi là xe ca mà tui chả biết sao lại là xe ca nữa.
Tui được Bố dắt ra xem thi bằng lái thời đó bao cấp nên để học thi bằng lái xe đò (dấu C dấu F gì đó) phải học đến tận 3 năm. Mà tổ chức thi thì hiếm lắm. Bố Tui lúc đó có bằng xe con (Xe Jeep – thấy ông lái phà phà). Mà bữa đó Bố tui lên cơn sốt rét thương Hàn vì cái vùng núi này ngày xưa rừng thiêng nước độc mà thuốc men lúc đó thiếu thốn nên ông bị hoài. Không may bữa đó ông lên cơn sốt người rung cầm cập mà phải lái cái xe đò dài thòng 52 chỗ. Có người làm cùng sở với Bố tui nói anh Ba (tên mọi người hay gọi Bố Tui) có thi được không. Bố tui nói được mà thấy ông lấy cái mền quấn quanh người. Thế là ông lên thi thực hành còn lý thuyết thì ông đã đậu rồi. Tui còn nhớ qua cái cọc cuối cùng cái đít xe đò xém chút là cạ vô cái cọc mọi người hết hồn. Vậy là ông đậu mà người ông rung cầm cặp vì lên cơn sốt rét.
Sau đó trên đường về nhà, tui hỏi sao Bố không để lần sau thi. Ông bảo không có cơ hội đâu vì họ không có tổ chức ở đây nữa đâu mà phải đi Long Khánh hay lên Biên Hoà mới thi được. Vừa xa và mất thời gian lắm. Vì vậy nếu có cơ hội thì phải thi cho dù có bị sốt cao. Ông dặn tui rằng có những lúc trong cuộc sống con phải biết vượt qua giới hạn của bản thân mình. Tui dạ dạ nhưng lúc đó chẳng hiểu gì. Tiếp đến tui lại hỏi Bố đâu có làm nghề Lái Xe đò đâu mà Bố thi làm gì? Ông bảo tuy không trực tiếp làm nghề này nhưng nếu con muốn quản lý những Bác Tài lái xe đò chở khách liên tỉnh thì con phải có bằng và rành về xe thì nói họ mới nghe. Lúc đó tui chẳng hiểu gì cả nhưng sau này lớn lên đi làm tui mới biết nếu mà muốn làm nghề gì thì phải giỏi cái chuyên môn về cái đó rồi nếu muốn quản ai đó như mua xe đò rồi thuê tài xế thì phải biết về xe, chạy được xe thì mới nói chuyện với Bác tài và lơ xe được.
Nghề lái xe đò cũng nhiêu Khê lắm mà phải có đam mê nữa. Nhiều khi sinh nghề tử nghiệp, có bác tài tên 9 Tốt. Ông đúng là người tốt, gương mẫu, lái xe kinh nghiệm, sống rất chân thành và tốt bụng. Tui hay được Bố tui cho đi xe cùng ông. Ông luôn là người mà các bác tài khác tin yêu học theo về nghề nghiệp và cách sống. Vậy mà đời thường không công bằng. Ông đã gặp tai nạn ở dốc 96 do lái xe ngược chiều chạy ẩu và để cứu mấy chục mạc người trên xe ông đã ra đi mãi mãi. Bố tui thương bác lắm, ông lo chu toàn mọi thứ cho Bác và luôn động viên bác gái và các anh chị trong gia đình Bác. Sau này các anh con của Bác đều theo nghề lái xe đò mà trước đây chỉ là lơ xe thôi.
Chuyện xe đò còn nhiều kỷ niệm có những chuyến đi xa như Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Long Khánh, Biên Hoà, Đà Lạt, … và có nhiều chuyến Bắc Nam dù có Bác tài lái chính nhưng khi các bác tài mệt Bố tui hay lên lái. Khi đó tui thích ngồi ở chỗ con heo (nói theo dân lái xe đò) chứ chỗ đó là cái máy nhô lên để tui dễ ngắm nhìn đường xá và nói chuyện với Bố tui và các bác tài. Có nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc sống, trải nghiệm và sinh nghề tử nghiệp của nghề lái xe đò ngày đó.
Tâm sự với bản thân:
- Vượt qua chính mình: có những lúc chúng ta sẽ rơi vào những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hãy vượt qua giới hạn của bản thân mà người ta thường nói là vùng an toàn (comfort zone). Khi bị ép vào áp lực thì người chiến thắng là vượt qua giới hạn bản thân.
- Tự tin vào bản thân: dù ai đó có nói gì thì chúng ta hãy tự tin vào bản thân mình để có thể vượt qua được những bài thi của cuộc đời.
- Tập trung vào kết quả: người đời thường đâu biết bạn sống ra sao, làm việc vất vả thế nào, họ chỉ nhìn vào cái bạn có. Nhưng quan trọng hơn hết là bạn hài lòng với kết quả mình đạt được kệ họ nói gì.
- Không ngừng học hỏi: muốn người khác nghe bạn thì bạn phải là người thiệt giỏi về một cái gì đó. Mà muốn giỏi thì không ngừng học hỏi.
- Luôn quan tâm đến người khác thật lòng: hãy sống chân thành và quan tâm đến mọi người xung quanh. Có như vậy bạn mới cảm thấy cuộc sống còn có nhiều điều tốt đẹp. Hãy mở lòng mình ra và sống chân thành nhất có thể, đời sẽ nở hoa.
(DV – trích những câu truyện và bài học của bố tôi).
vuthanhnamduc #DUCVUUSA #nhungcautruyencuabotui #baihoccuabo

