Tín hiệu vui của ngành gia công xuất khẩu phần mềm (GCXKPM) Việt Nam là sẽ gia tăng hàm lượng chất xám chứ không chỉ gia công thuần túy. Và với lực lượng chuyên gia đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, thị trường trong nước cũng sẽ không nằm ngoài tầm ngắm của các doanh nghiệp GCXKPM…
Thêm chất xám cho sản phẩm gia công
Tại công ty GCS |
Suy nghĩ “truyền thống” thường cho rằng, khi gia công PM, các yêu cầu và thiết kế quan trọng đều do khách hàng thực hiện, đối tác gia công chỉ thực hiện theo yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều công ty GCXKPM đã và đang khẳng định chiến lược gia tăng giá trị chất xám cho sản phẩm gia công từ Việt Nam. Lý do chính, theo đúc kết của ông Ngô Văn Toàn, Phó TGĐ Công ty CP Global Cybersoft Vietnam, là:
• Giá trị hợp đồng và tỷ lệ lợi nhuận cao hơn, do sử dụng các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm, tái sử dụng các PM và thư viện do công ty đã thiết kế.
• Tạo mối liên kết bền vững với khách hàng, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian phát triển dự án, và đưa nhanh sản phẩm của họ ra thị trường.
• Phát triển lực lượng chuyên gia của công ty đáp ứng các chuẩn mực quốc tế
Tạp chí TGVT B “xông đất” ba công ty GCXKPM nhiều kinh nghiệm tại TP.HCM để ghi nhận cụ thể hơn chiến lược nói trên cũng nhưng sự chuẩn bị nguồn lực cho chiến lược này:
Công ty DIGI-TEXX
DIGI-Texx chuyên về dịch vụ số hóa dữ liệu (Digitization Services), gia công quy trình nghiệp vụ (BPO-Business Process Outsourcing), sản xuất và gia công PM (Software Development), có thị trường chính là Đức, Áo, Ý, Bỉ, các nước Châu Âu, Úc và Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hàng năm đối với thị trường nước ngoài chiếm hơn 90%. Kế hoạch trong năm 2010, công ty phát triển thêm các ứng dụng cho PM nhận dạng chữ viết tay, chữ đánh máy (OCR), PM nhận dạng và phân loại tài liệu, hồ sơ (OMR) và sẽ nghiên cứu các phát triển, ứng dụng của PM nhúng đối với phần cứng của dịch vụ số hóa để tích hợp vào hệ thống quản lý dữ liệu. DIGI-TEXX dự kiến sẽ tích hợp các chương trình PM vào phần cứng và cơ sở dữ liệu để khách hàng có thể lưu trữ, tìm kiếm, truy xuất thông tin dễ dàng và tiện lợi hơn, gia tăng tiện ích công tác số hóa.
Để kích thích phát triển gia tăng chất xám trong gia công, DIGI-TEXX cũng đã được xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ (Training on job), đào tạo kỹ năng mềm (Soft Skills), ngoại ngữ (Đức, Anh, Nhật) nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc và phát triển tư duy cho toàn bộ nhân viên. Đơn vị còn tiến hành tái cấu trúc nguồn lực từ chất lượng đầu vào, đào tạo nhân sự chủ chốt, phát triển đội ngũ kế thừa, có chính sách phúc lợi đa dạng.
Một số chính sách khác của DIGI-TEXX: (1) Hợp tác, ký kết với khách hàng và đối tác nước ngoài để đưa các chuyên gia của họ làm việc tại DIGI-TEXX và ngược lại, qua đó tạo điều kiện để nhân viên làm việc cùng các chuyên gia của khách hàng và đối tác để học hỏi tiếp thu công nghệ tiên tiến, quy trình làm việc, tính logic, phong cách làm việc chuyên nghiệp và văn hóa của khách hàng. (2) Tiến hành đào tạo trực tuyến (Online training) từ phía khách hàng và các đối tác ngay trong từng dự án. (3) Tuyển dụng đầu vào đối với tất cả các du học sinh tại các thị trường Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Úc…mà DIGI-TEXX xuất khẩu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh về nguồn lực.
Công ty GlobalCyberSoft (GCS)
Sau nhiều năm làm việc với các khách hàng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Đông Nam Á, từ năm 2010, việc gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm tại GCS sẽ được thực hiện dần với các mức độ sau:
• Tham gia tư vấn, thiết lập quy trình vận hành và yêu cầu về PM. Mức độ tham gia tư vấn từ cơ bản ở mức xem xét và phản hồi, đến mức độ cao hoặc rất cao bao gồm tư vấn và đề xuất yêu cầu cho hệ thống.
• Tham gia thiết kế, từ kiến trúc đến chi tiết. Từ đó giúp khách hàng thẩm định và điều chỉnh các yêu cầu của hệ thống
• Nhúng hoặc tích hợp các chương trình, các thư viện, PM lõi (framework), gói kiểm định tự động do công ty tự thiết kế vào các sản phẩm hoặc hệ thống của khách hàng.
• Tham gia tư vấn quy trình và triển khai các hệ thống kiểm soát sản xuất (MES), quản trị DN (ERP).
|
|
|
|||
“Cải cách hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế Việt Nam. Do vậy, nhu cầu xây dựng hệ thống lưu trữ nội dung số rất lớn, nhưng sự nhận biết và triển khai ứng dụng còn chậm, đặc biệt đối với lĩnh vực hành chính công”, ông Vũ Thành Nam Đức, Trường phòng phát triển kinh doanh DIGI-TEXX | “Lực lượng chuyên gia có năng lực chuyên sâu là yếu tố cốt lõi trong mọi hoạt động. Nguồn lực này muốn phát triển đòi hỏi nỗ lực không chỉ của DN. DN có thể bồi dưỡng và phát triển lực lượng. Nhưng phía Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hướng đến hỗ trợ nghiên cứu phát triển (R&D); Chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, chuyên gia Việt kiều; Tạo sân chơi bình đẳng, không phân biệt để mọi DN tiếp cận các dự án chính phủ đòi hỏi giá trị gia tăng cao (giúp DN nâng cao năng lực)”, Ông Ngô Văn Toàn, Phó TGĐ Công ty CP Global Cybersoft Vietnam | “Gia công phần mềm xuất khẩu tại Việt Nam thực sự chưa mạnh như Ấn Độ, Philippines hay Trung Quốc. Việt Nam cần phải có chính sách để chuẩn hóa và nâng cao hệ thống giáo dục trong ngành CNTT. Hiện tại, các lớp đào tạo lập trình viên xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều với phương pháp giảng dạy khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng ứng viên chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, trình độ không chuyên sâu, thiếu ngoại ngữ…Công tác quản lý và kỹ sư cầu nối trong lĩnh vực CNTT. Cần có các lớp đào tạo chuyên môn cụ thể cho từng vị trí khác nhau”,Bà Trần Thị Diệu Thuần, Giám đốc tác nghiệp GHP Far East |
Công ty GHP Far East
Là công ty 100% vốn từ Thụy Sỹ và Đức, có đối tác chính là các doanh nghiệp ở châu Âu và Nhật Bản, chiếm trên 95% tổng thị phần. Năm 2010, công ty có kế hoạch mở rộng thêm thị trường ở châu Âu và số lượng dự án, khách hàng dựa trên kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có. Bà Trần Thị Diệu Thuần, Giám đốc tác nghiệp của GHP Far East cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu sử dụng các ứng dụng mã nguồn mở (Open source) nhiều hơn và áp dụng phù hợp vào các dự án. Sử dụng mã nguồn mở có nhiều lợi ích và một trong những lợi ích lớn là giảm chi phí đầu tư và cung cấp dịch vụ với mức giá cạnh tranh hơn”.
GHP Far East có khoảng 500 nhân viên và có chính sách nhân sự rõ ràng. Theo bà Thuần: “Ngay từ khi tuyển dụng, chúng tôi đã định hướng trước cho những người có thể sẽ trở thành thành viên của công ty về chính sách, chế độ, nguyên tắc… Chúng tôi tập trung tuyển dụng những ứng viên ở khu vực lân cận công ty để thuận tiện đi lại và tiết kiệm thời gian cho nhân viên. Ngoài ra, công ty tổ chức các lớp đào tạo miễn phí vào buổi tối cho nhân viên. Ban giám đốc luôn khuyến khích và tạo điều kiện để mọi nhân viên có cơ hội học hỏi, thăng tiến lên những vị trí cao hơn. GHP Far East hiện đang cung cấp dịch vụ CNTT 24/7/365 (làm việc trực tiếp với khách hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày). Để làm được điều này, GHP Far East luôn tâm niệm “Nhân viên là tài sản lớn nhất của công ty!”. Chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm các điều kiện làm việc, đào tạo, các cơ hội học tập, thăng tiến cũng như các chế độ tốt nhất cho nhân viên”.
Tham gia “sân nhà”
Theo tổng kết của TP.HCM, doanh thu công nghiệp PM năm 2009 của thành phố đạt 252 triệu USD, trong đó PM/dịch vụ nội địa đạt 163 triệu USD, gia công/XK 89 triệu USD. Tỉ trọng doanh thu nội địa gấp đôi gia công/XK và vẫn còn khả năng tăng bởi thị trường nhiều tiềm năng. Trong một buổi trao đổi của Ban chấp hành Hội Tin học TP.HCM, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành hội, Phó giám đốc Sở TTTT nhận định: “Thị trường ứng dụng CNTT tại Việt Nam còn quá lớn, lớn tới mức không có công ty nào có thể đứng ra bao quát hết. Chẳng hạn, chúng ta có cả ngàn khu công nghiệp, ký túc xá, trong khi không có PM nào quản lý tổng thể để từ đó có các báo cáo tổng hợp cho lãnh đạo; Chúng ta có gần 500 cảng biển, nhưng PM quản trị các cảng biển gần như bỏ ngỏ; Mảng vận chuyển logistic cũng vậy… Thời gian tới phải có những con chim đầu đàn cho những thị trường ứng dụng lớn với khả năng sản sinh các sản phẩm lõi có thể triển khai ở VN (giá hợp lý, có khả năng phát triển thêm các đặc thù) và chuyển giao cho các công ty khác triển khai…”.
Tại công ty DIGI-TEXX |
Với các công ty GCXKPM, nhờ bề dày kinh nghiệm hoạt động theo chuẩn quốc tế, nếu có cách thức phát triển và sử dụng nguồn lực hợp lý, thị trường ngay trước mắt đang chờ đón họ. Từ phát triển phần mềm đến mở rộng dịch vụ gia công ngay cho các đơn vị trong nước… tất cả đều có khả năng khai thác hợp lý. Khảo sát nhanh tại 3 công ty đề cập ở trên cho thấy hướng đi này đã được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Với DIGI-TEXX, do đặc thù ngành nghề hỗ trợ quá trình ứng dụng CNTT, dịch vụ số hóa dữ liệu trọn gói trong nước đã được công ty thực hiện từ giữa năm 2007. Khách hàng của họ bao gồm khối chính phủ, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, giáo dục đào tạo, thư viện và các công ty đa quốc gia. DIGI-TEXX đã và đang thực hiện các dự án số hóa cho Cục Thuế TP.HCM, Công ty Thăm dò dầu khí BP, Văn phòng đại diện Công ty Dược phẩm MSD Asia… Ông Vũ Thành Nam Đức, Trường phòng phát triển kinh doanh DIGI-TEXX cho biết: “DIGI-TEXX sẽ từng bước xâm nhập thị trường để giúp khách hàng trong nước nhận thấy lợi ích khi sử dụng dịch vụ số hóa và lưu trữ hệ thống nội dung số trong sản xuất kinh doanh. DIGI-TEXX cũng sẽ kết hợp với các đối tác trong nước chuyên về sản xuất và gia công PM để cùng outsource các dịch vụ số hóa trọn gói (Phần cứng, PM và dịch vụ), tạo ra nhiều giá trị gia tăng đối với thị trường trong nước và mở rộng phát triển thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật…
GCS cũng không “bỏ quên” thị trường ứng dụng trong nước. Ông Toàn cho biết: “Tiềm năng thị trường lớn và thực sự có nhiều dấu hiệu cho sự bùng nổ với nhiều dự án có giá trị lớn; Lực lượng chuyên gia của công ty trưởng thành, đủ năng lực, sẵn sàng tham gia vào các dự án lớn, phức tạp theo chuẩn mực quốc tế đồng thời phù hợp với môi trường Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay, chiến lược kinh doanh trong nước của công ty chú trọng các điểm chính sau: Cung cấp giải pháp quản trị DN trọn gói SAP (GCS được công nhận là đối tác tốt nhất của SAP tại Việt Nam – SAP Vietnam Partner Of The Year – 3 năm liền từ 2007-2009); Đa dạng loại hình dịch vụ – từ tư vấn đến thẩm định, thiết kế, phát triển, kiểm tra, bảo trì, nâng cấp và hỗ trợ”.
Với GHP Far East, công ty đã và đang phát triển phần mềm IDEAS (Integrated Data Entry Application Systems). Bà Thuần cho biết: “Đây là một sản phẩm tự phát triển để tăng năng suất và hiệu quả công việc. Công ty chúng tôi có kế hoạch trình làng sản phẩm này – nếu có thể – vào thị trường cuối năm nay. Với sản phẩm này, các công ty đối tác có thể số hóa tài liệu ngay tại văn phòng. Điều này giúp đối tác tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và nhân sự, cũng như giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh”.
Huyền Sa
http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/giai-phap/2010/03/1217874/tang-chat-xam-va-tham-gia-san-nha/
http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/giai-phap/2010/03/1217874/tang-chat-xam-va-tham-gia-san-nha/